Chỉ cần lấy tay cù nhẹ vào thân, lập tức tất cả các đầu lá của cây ổi sẽ rung lên bần bật như đang "cười". Cây ổi "cười" chỉ là một trong số rất nhiều loại cây đặc biệt ở Khu di tích lịch sử Lam Kinh.
Vào những ngày đầu Tết Nguyên Đán, hàng nghìn người dân từ khắp nơi đổ về Khu di tích lịch sử Lam Kinh, thuộc địa bàn 2, huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc (Thanh Hóa) viếng cảnh, thắp hương cầu may đầu năm.
Ông Hồ Hà Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban quản lý Di tích Lam Kinh cho biết, ngoài tìm hiểu về các giá trị lịch sử, kiến trúc, nhiều khách đến thăm khu Di tích Lam kinh muốn được tận mắt "mục sở thị" một số cây, như cây ổi "cười", cây Đa – Thị, cây Lim "hiến thân".... Lời giới thiệu của ông Hải khiến tôi thêm tò mò...
Dẫn tôi đi thăm Khu Di tích Lam Kinh là chị Trần Thị Chung, cán bộ Phòng nghiệp vụ (Ban quản lý Di tích Lam Kinh) – một người có tâm huyết, nặng lòng với vùng đất "địa linh nhân kiệt", với quê hương của người anh hùng áo vải dân tộc Lê Lợi.
Bên cây ổi "cười" ở lăng mộ vua Lê Thái Tổ, chị Chung giới thiệu: "Đây là cây ổi "cầu tự" được ông Đỗ Phú, một người rất giàu có (gốc Nam Định) cung tiến vào năm 1933. Tương truyền, ông Đỗ Phú không có con trai, nên ông đã tìm đến lăng mộ vua Lê Thái Tổ để cầu tự.
Kỳ lạ, sau lần cầu tự ấy, ông Đỗ Phú đã có một người con trai. Và các thế hệ sau đó, bất cứ một đời nào cũng đều có một người con trai (độc đinh) nối dõi tông đường.
Để tỏ lòng thành kính và biết ơn, ông Đỗ Phú đã trở lại lăng mộ vua Lê Thái Tổ, cung tiến vào đây 2 cây ổi, 2 cây long não, 4 con voi chầu trước lăng".
Vì nó là cây ổi cầu tự, nên 4 mùa nó đều có hoa, quả. Mặc dù loại quả này rất nhỏ, nhưng khi chín, hương thơm của nó tỏa ngát cả khu rừng.
Từ đó đến nay, nhiều du khách, đặc biệt là những người hiếm muộn, những người chưa có con trai khi đến thăm khu di tích Lam Kinh đều hướng về lăng mộ vua Lê Thái Tổ để thắp hương và sờ lên cây ổi để cầu tự. Không rõ hiệu quả tới đâu nhưng người nọ bảo người kia sờ vào lấy may.
Cây ổi không xa lạ gì với mỗi chúng ta, nhưng cây ổi trong lăng vua Lê Thái Tổ lại rất đặc biệt.
"Khi chúng ta dùng tay sờ hoặc gãi nhẹ lên thân cây, tất cả các đầu lá của cây ổi sẽ rung lên bần bật như đang "cười" và khi dừng tay lại nó sẽ đứng yên. Điều này khiến cho nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên và thích thú", chị Chung chia sẻ.
"Cây ổi cầu tự biết "cười" được phát hiện năm 2001, vào một lần nhà thơ Điền Ngọc Phách về thăm khu di tích Lam Kinh. Khi được giới thiệu về cây ổi, ông đã rất tò mò và phát hiện ra hiện tượng cây ổi biết "cười", chị Chung chia sẻ.
Một điều đặc biệt, có lần ban quản lý di tích làm một số thi nghiệm, triết cành cây ổi để trồng ra ngoài lăng mộ xem có hiện tượng "cười" hay không? Và kết quả là nó không có hiện tượng này.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh được có tổng diện tích 200ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, nằm cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc. Đây là nơi yên nghỉ ngàn thu của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị Hoàng Đế, Hoàng Thái hậu vương triều Lê Sơ, là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, khu di tích không còn nguyên hiện trạng ban đầu. Vì vậy, đến năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 609/QĐTTg phê duyện Dự án tổng thể tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử Lam Kinh. Đến nay, di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét