Bất ngờ với đoàn làm phim King Kong: Những nữ lái đò ở bến đò lớn nhất Việt Nam

Khi bộ phim bom tấn “King Kong 2” quay tại Ninh Bình, bất ngờ lớn nhất của đoàn làm phim là những nữ lái đò cự phách của bến đò lớn nhất Việt Nam. Vậy cuộc sống của những nữ lái đò này thế nào?

Bến thuyền Tràng An đã trở nên quá tải khi đoàn làm phim "King Kong 2" về ghi hình tại Ninh Bình

Người lái đò …“biết tuốt”

Sáng sớm, khi sương vẫn phủ kín các hang động của khu du lịch Tràng An thăm thẳm một miền đất cố đô chị Quế đã ra bến đò ngồi đợi khách. Chẳng biết tiếng tăm của chị Quế thế nào mà ba lần bảy lượt nhiều hướng dẫn viên các đoàn khách yêu cầu bến đò để chị Quế chở khách đi mà nhất quyết không chịu nhờ người khác.

laido1:Chị Tống Thị Quế - người lái đò số 1 Tràng An.

Am hiểu chuyện sông nước, vững tay chèo chỉ là một chuyện mà quan trọng là sự tích những hang động, những di tích khắp vùng Tràng An này chị Quế cái gì cũng biết.

"Có nhiều khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước hỏi mình về các hang động thì mình đành chịu chết nhưng may những lần như thế đều có lần chị Quế đều giải nguy”- Nguyễn Tuấn Minh, hướng dẫn viên một cty Du lịch dẫn khách từ Đà Nẵng ra giải thích lý do. Theo lời Minh, chị Quế “còn hơn cả một tay chèo, vượt qua cả trình độ của một hướng dẫn viên lành nghề nhất”.

laido2

Chị Quế cũng không phủ nhận, cũng chẳng gật đầu. Chị thả tay chèo rồi cười bảo: “Ấy là mọi người nói chứ chưa hẳn tôi đã được thế. Tôi 43 tuổi nhưng lái đò đã 35 năm. Lên 8 tuổi đã chèo đò vừa chở khách vừa thả vó, thả dầm kiếm tiền đi học nên thuận tay chèo thôi”. Chị Quế nói nhà ở xã Trường Yên (Hoa Lư) cách bến đò không xa.

Không để khách phải chờ lâu, nhận một con đò, chị Quế bỏ dây neo dẫn khách xuống nhẹ nhàng cất mái chèo: “Phải đi sớm kẻo trưa sẽ nắng. Quãng đường đi xuyên 49 hang động Tràng An sẽ dài hơn 12.226m. Nếu dừng lại ở một số đền đài thắp hương và tham quan hết 4g. Nếu chưa mang theo đồ ăn, nước uống thì đến chỗ nào hãy sắm để mang theo. Bây giờ giữa giờ Thìn (8g sáng – PV) thì đến chính (12g trưa) chúng ta sẽ đi được một vòng các hang động”.

Đò chở 5 vị khách nước ngoài to béo lướt nhanh qua hang Địa Linh, Đền Trình, Hang Tối, Hang Sáng… mà chị Quế vẫn như không. Đến hang nào chị cũng chậm lại mà giảng giải kỹ lưỡng sự tích từng hang, nó dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu tại sao lại có cái tên gọi như thế. Đến đoạn nước xiết gần Hang Nấu Rượu chị chậm lại tay chèo nói khách phải cẩn thận, ngồi cho vững vì dưới có đá ngầm.

“Đoạn này nước nông có chỗ chỉ chưa đầy 1m, phía dưới có 3 mỏm đá lớn. Không cẩn thận là vỡ đò như chơi”. Chị Quế nói rồi quặt trái, quặt phải đưa thuyền vào hang. Trong bóng tối mờ mờ vẫn hiện lên những chiếc chum nhỏ mô hình để lại.

Chị Quế giải thích:“Thời Pháp nấu rượu lậu là tội to lắm. Thế nhưng các cụ già nơi đây vẫn không chịu phục dùng cái rượu đắng ngắt cay xè của người Tây nên đã lén vào hang nấu rượu. Ở hang này, mạch nước ngầm ngọt, nấu rượu trong vắt, mùi vị đậm chất quê hương nên có hẳn một đoàn người vào đây nấu rượu”.

Có mặt trên thuyền, mấy vị khách Tây nghe hướng dẫn viên nói lại lời chị Quế mà cứ trố mắt nói: “Thế á?Thế à?” rồi khen “hay, hay” rối rít. Hướng dẫn viên bảo họ vừa khen câu chuyện hay vừa khen chị Quế còn hay hơn cả câu chuyện.

Chị Quế kể xong ngả nhẹ mái chèo cho thuyền rẽ trái lượn qua Đền Trần, Hang Sính, Hang Si, Hang Ba Giọt, Hang Sơn Dương đến trước cửa Phủ Khống nơi có cây thị 1.000 năm tuổi.

laido5Ở bến đò lớn nhất Việt Nam có tới 1.200 nữ lái đò.

Thấy khách ồ ồ về ngưỡng mộ “cái cây gì chỉ Việt Nam mới có lại có cả quả tròn quả dẹt” chị Quế nói cây thị sống được từng ấy lại ra trái kỳ lạ cũng không phải ngẫu nhiên.

Chị Quế tường tận kể cho khách như một nhà lịch sử: “Khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đã tự tay khâm liệm vua Đinh, chuyển qua cửa cung 100 chiếc quan tài bằng đồng để chôn cất theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi an táng vua xong, 7 vị quan đã chung nhau chén rượu độc tuẫn tiết mang theo bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành Nam có tước hiệu là Đinh Công Tiết Chế vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của các bậc trung thần, liền lập đền thờ cúng và trồng một cây thị bên cạnh. Cây thị qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử như chứng nhân cái tôi trung của những hiền quan của ngàn năm trước”.

“Công nghệ” lái đò

Quả là đến chính Ngọ, chị Quế đưa đò cập bến Tràng An. Tiền công chở đò 100.000 đ/lượt được chị Quế cất kỹ qua 2 lần khăn bỏ vào cái tủi vải buộc trên tay chèo.

“Phải cẩn thận vì đây là tiền ăn, tiền học, tiền nhà của cậu cả đang học đại học trên tận Hà Thành”- chị Quế gượng cười nói ăn trưa bằng một chiếc bánh mỳ khô cong queo.  Không kịp thêm câu chuyện, chị Quế lại hớt hải về nhà. Chị Quế bảo: “Vẫn còn mấy sào lúa chín vàng đang chờ gặt. Gì thì gì chứ đò một bên, ruộng một bên thì mới đủ tiền cho con ăn học”.

Chiếc đò của chị Quế được chuyển giao cho một nữ lái đò khác trạc tuổi chị: Nguyễn Thị An (xã Ninh Thuận, Hoa Lư).

Theo Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An, từ khi Khu du lịch đi vào hoạt động (2008) đến nay đã đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan mà chủ yếu là dùng đò khám phá các hang động và di tích lịch sử sát bờ.

laido4

Để đáp ứng được nhu cầu của du khách, Ban Quản lý đã phải xây dựng lại bến đò với quy mô gần 1.500 đò chở khách trở thành bến đò lớn nhất Việt Nam. “Có 1.500 đò thì có tới 1.200 người lái là nữ, chủ yếu là người địa phương tại Gia Viễn và Hoa Lư. Với số lượng lái đò này thì bến đò Tràng An không chỉ là bến đò lớn nhất Việt Nam mà còn đạt một kỷ lục có số nữ lái đò nhiều nhất Việt Nam”- ông Nguyễn Văn Lực (Cán bộ quản lý Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An) cho biết.

Chị Trần Thị Nụ, một nữ lái đò bảo:“Để được vào lái đò ở đây không dễ đâu. Phải thi cử “sát hạch” đàng hoàng mà mọi người ở đây gọi vui là “công nghệ lái đò”.

Ngoài việc giỏi bơi lội, sông nước, chèo đò thành thạo có thâm niên mà còn phải học cách bảo đảm an toàn cho du khách. Những câu chuyện về các hang động và di tích đền đình miếu mạo cũng phải đọc học qua để khách hỏi còn biết. Nhiều khách nghe thấy hay còn “bo” thêm tiền ngoài tiền công ra là chuyện bình thường .

Nhưng cái khổ nhất là phải có “công nghệ”  bảo vệ mình. Mới tháng trước, một chị em chở mấy vị khách say ngật ngưỡng giở trò sàm sỡ ngay trên mái đò khiến nhiều chị em khác phải quây lại để giải vây”.

Vẫn theo chị Nụ, thu nhập của chị em chèo đò ở đây phụ thuộc vào số lượng khách du lịch. Các tháng đông khách như mùa xuân mùa thu thì mỗi ngày quay vòng được hai lượt khách, người chèo đò thu nhập từ 5-6 triệu đồng. “Tháng ít khách có khi vài ngày mới được một lượt thì lại quay ra làm ruộng hay phụ hồ. Cái gì nam giới làm được thì chị em lái đò chúng tôi cũng làm được hết. Chung quy lại cũng là để mưu sinh”- chị Nụ nói.

Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét