Nỗi niềm khủng khiếp của ông thầy cúng
Từ độ trước Tết đến nay, mỗi khi có người lạ hỏi tới, ông Lê Văn M. (trú tại Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) lại giật nảy mình, mồ hôi lạnh vã ra như tắm. Sau chuyện kẻ gian đào trộm mộ cụ N.T.K xảy ra hôm 31/1, ông M. cứ thấy bất an, lo sợ bâng quơ.
Sau khi thi thể bà cụ K. bị trộm mất 2 xương bánh chè, dư luận ầm lên tin đồn rằng hai mảnh xương ấy có thể làm bùa ngải. Tự dưng, bao nhiêu nghi ngờ dồn vào ông M.
Theo ông M., buổi sáng 31/1, ông được gia đình cụ K. gọi đến để chứng kiến việc thi thể của bà cụ bị quật lên khỏi ngôi mả mới. Gia đình cụ K. cực kỳ phẫn nộ cũng như lo sợ.
Họ cho rằng việc bà cụ không được mồ yên mả đẹp sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường cho con cháu. Vì thế, họ muốn nhờ ông M. tư vấn về sự việc không ngờ này. Ông M. nhớ lại: "Tôi đã bị sốc nặng, như thể bị búa giáng vào đầu khi thấy thi thể của bà cụ ở trên mặt đất. Trong bao nhiêu năm làm công việc tâm linh, tôi chưa từng chứng kiến chuyện nào kinh khủng, tàn ác như vậy.
Phải lấy hết dũng khí, tôi mới dám ở lại hiện trường để khuyên bảo con cháu của bà cụ rằng một khi kẻ gian đã hành động thất nhân thất đức như vậy rồi, thì hắn hoàn toàn có thể quay trở lại. Hắn chẳng biết sợ đâu. Vậy, gia đình nên đưa thi thể bà cụ đi hỏa táng là yên nhất".
Bi ai chất chồng ở gia đình bà cụ xấu số
Gặp nhiều người, phóng viên càng nghe được nhiều tin đồn kỳ quái về nguyên nhân khiến kẻ gian đào mộ cụ K. và lấy đi hai xương bánh chè. Điều đầu tiên mà người ta nghĩ đến đấy là hành động trả thù.
Tuy nhiên, giả thuyết này dường như rất yếu khi bà cụ K. được tiếng là hiền lành, trong khi con cái của cụ đều sống bình thường và không có mâu thuẫn lớn với ai. Rồi "đào mộ để trộm vàng" cũng là một suy đoán mà người ta nhắc tới.
Phóng viên đã nghe đích thân ông Phó chủ tịch xã Vĩnh Thành nói thế này: "Dân chúng cho là gia đình bà cụ K. giàu có nên con cái ắt hẳn sẽ đặt vàng vào miệng người chết để chứng tỏ sự hiếu thảo.
Có lẽ, vì tham vàng nên bọn trộm quật mộ cụ chăng? Không có lý này. Thứ nhất, nếu gia đình có đặt vàng vào miệng cụ thì cũng chỉ đặt một vài phân, chứ chẳng có đến một chỉ. Ít như vậy có bõ công để bọn trộm đào mộ không?
Thứ hai, cạnh đó cũng có mộ một ông nhà giàu mới chết. Sao chúng không trộm mộ ông ấy mà lại chọn mộ cụ K.? Quan trọng hơn hết, trộm vàng thì lấy đi xương bánh chè làm gì?".
Ngay cả những người thân trong gia đình cụ K. cũng đang hoang mang trước hàng ngàn câu hỏi chưa có lời giải xung quanh sự việc mới xảy ra. Ông N.V.T (con trai thứ 3 của cụ K.) cho biết, cụ K. có tới 8 người con (5 gái, 3 trai).
Ông T. rầu rĩ nói: "Sức khỏe bà cụ nhà tôi là trời cho chứ không phải là do cụ tẩm bổ bằng sâm nhung hay cao hổ như người ta đồn đại. Sinh thời, mẹ tôi khỏe mạnh phốp pháp, lại không có bệnh tật gì, nên dân gian cứ xì xào linh tinh.
Song, tôi khẳng định là không có chuyện mẹ tôi dùng nhiều cao hổ. Tức là, phán đoán bọn đào trộm mộ lấy xương của mẹ tôi để nấu cao là không có cơ sở. Cứ đồn đại mãi như thế càng khiến cho con cháu của cụ đau lòng, và hương hồn người đã chết không được yên ổn".
Liệu có phải kẻ gian trộm xương làm bùa?
Nhằm tìm câu trả lời rõ ràng hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Đông phương học Nguyễn Văn Vịnh (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển, Trưởng khoa Khoa học cơ bản - Trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội).
PV: Thưa tiến sỹ, trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt, xương người đóng vai trò thế nào?
- TS Nguyễn Văn Vịnh: Theo tôi được biết, các thầy cúng, thầy bùa thường sưu tập một loạt các vật mà người ta cho rằng có năng lượng như các loại đá quý, xương, ngà voi, sừng hươu, nanh lợn hay viên đá đen mà họ cho rằng nó làm từ thiên thạch.
Đối với các loại xương, sừng, họ sưu tập chúng xuất phát từ thuật bói xương, hay còn gọi là chiêm cốt. Thí dụ trước đây người ta bói xương bò, xem chân gà, xem xương đầu gà...
Bên cạnh đó, cũng có một vài tà thuật sử dụng xương người.
Nhưng ngay cả những thầy phù thủy này cũng chỉ dùng xương của những người rất đặc biệt như người bị sét đánh hay thế nào đấy. Trong trường hợp của bà cụ bị trộm xương ở Thanh Hóa, tôi cho rằng rất khó có khả năng bọn trộm hành động với mục đích liên quan đến tâm linh.
Ông có phỏng đoán nào về động cơ của bọn trộm?
- Trong lịch sử ghi nhận không ít các trường hợp sử dụng xương người để nấu cao. Đây là việc đau đớn, thương thiên hại lý, nhưng là có thật. Một số kẻ dựa vào nguyên lý tương tự sinh học cho rằng cao từ xương người có thể chữa được các bệnh về xương khớp. Tôi kịch liệt phản đối tư duy này.
Về phương diện văn hóa, ông đánh giá như thế nào đối với hành động đào mộ, trộm xương mất nhân tính kia?
- Về pháp luật, đó là một loại tội phạm. Còn trong văn hóa Việt, người ta cực kỳ kiêng kị động chạm vào một bộ phận nào đó của người đã chết. Tôi muốn lưu ý rằng, trong thế giới của người đã mất, bất cứ cái gì thì họ cũng kiểm soát được.
Vì thế, những người xúc phạm mồ mả người khác có khả năng gặp nhiều điều không tốt, đặc biệt dễ gặp bệnh về mắt.
Xin cảm ơn tiến sỹ về cuộc trò chuyện này.
Toàn cảnh vụ đào trộm mộ cụ bà 93 tuổi:
Kỳ 1: Kẻ đào trộm mộ, lấy đi một phần thi thể bà cụ 93 tuổi để làm gì?
Kỳ 2: Nguyên nhân rùng rợn khiến cả làng thức đêm canh nghĩa trang
Kỳ 3: Cụ già cao niên hé lộ dấu vết về những kẻ trộm đào trộm mộ thất đức
0 nhận xét:
Đăng nhận xét