Ba vị trí mà một người dân trình báo là nơi cất giấu vàng của quân đội Nhật cách núi Tàu, nơi ông Trần Văn Tiệp đã từng bỏ ra hơn 20 năm tìm kiếm chỉ gần 1 km.
Sáng 4-3, một người (xin giấu tên) sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã đến trụ sở UBND xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, để trình báo về ba vị trí ghi là nơi cất giấu hàng ngàn tấn vàng của quân đội Nhật Bản chôn giấu sau thế chiến thứ 2.
Người này trình bày đã nhiều năm nghiên cứu, dày công tìm kiếm, thăm dò và khẳng định ba vị trí đã định vị là hoàn toàn chính xác là kho chứa vàng.
Đồng thời ông này cũng đề nghị chính quyền xã đi thực địa ba vị trí nói trên để lập biên bản hiện trường, ghi nhận tình hình thực tế và đề đạt nguyện vọng chính quyền có phương án bảo vệ, thẩm định, triển khai khai quật.
Ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể, cùng đại diện công an, tư pháp, xã đội xã Phước Thể đã cùng đi thực địa hiện trường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ba địa điểm ghi là kho chứa vàng cách nhau khoảng 500-700 m ở một khu vực khá hẻo lánh, cách bờ biển chừng vài chục mét. Người này khẳng định kho chứa vàng nằm ở độ sâu 7-10 m, dưới lớp bê tông dày 40 cm.
Điều đáng nói, ba vị trí nói trên cách núi Tàu, nơi đã từng bỏ ra hơn 20 năm tìm kiếm chỉ gần 1 km.
Sau hai giờ thực địa, ghi nhận tình hình tại UBND, chính quyền xã đã lập biên bản tiếp nhận thông tin người dân trình báo và thực tế hiện trường, mô tả vị trí ghi kho chứa vàng.
Ông Long cho hay trước mắt chính quyền tiếp nhận thông tin trình báo của người dân và lập biên bản hiện trường, hiện trạng, sau đó sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ cơ quan chức năng.
PV sẽ tiếp tục cập nhật thông tin chi tiết về vụ việc này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét