Đại diện Cục PCCC: Chưa dám khẳng định không có lợi ích nhóm

Phó Cục trưởng Cục PCCC nói, chưa thể khẳng định chắc chắn việc không tồn tại lợi ích nhóm trong công tác triển khai quy định bắt buộc lắp bình cứu hỏa cho ôtô.

Xoay quanh việc áp dụng thông tư 57 của Bộ Công an về quy định trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới, trong đó có xe ôtô từ 4 chỗ trở lên từ ngày 6/1, Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) đã có những trao đổi với PV về vấn đề này.

Hai bộ bàn thêm về quy định bắt buộc với xe 4 chỗ

- Quy định bắt buộc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho phương tiện cơ giới đã được ban hành từ lâu, tại sao tới ngày 6/1 mới được áp dụng? Và tới khi nào thì chính thức áp dụng mức xử phạt hành chính?

Đúng là từ năm 2001, luật PCCC đã đặt vấn đề về quy định trang bị phương tiện PCCC, nghị định 35 năm 2004 cũng đã nêu vấn đề này. Nhưng thời gian áp dụng quy định thì Bộ Công an cũng phải xét theo lộ trình, dựa trên tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

PCCC1Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phan Anh.

Thực tế, việc áp dụng luật không phải tất cả tới giờ mới triển khai. Đối với những xe chở xăng dầu, chất dễ cháy nổ đã quy định bắt buộc trang bị PCCC ngay từ đầu. Ngay trong ngành giao thông, các xe này phải có giấy kiểm định của cơ quan PCCC thì xe mới được đăng kiểm để lưu hành.

Việc xe 4 chỗ đã được đăng kiểm bắt buộc hay chưa thì Bộ Công an và Bộ GTVT sẽ phải bàn với nhau về việc phối hợp thực thi sao cho phù hợp.

Về thời gian áp dụng xử phạt, theo đúng luật, đáng lẽ ngày 6/1 là ngày quy định có hiệu lực thì có thể xử phạt luôn nhưng để người dân có thời gian nắm rõ, trước mắt, cảnh sát PCCC và cảnh sát giao thông mới tiến hành kiểm tra, nhắc nhở.

- Theo hiệp định TPP, những loại xe ôtô nhập khẩu từ các nước thành viên khi vào Việt Nam không bắt buộc trang bị bình cứu hỏa trên xe. Nhiều nước phát triển trên thế giới cũng không đưa việc trang bị thiết bị PCCC cho xe ôtô là quy định bắt buộc và áp dụng xử phạt. Trong công văn Bộ GTVT gửi Bộ Công an tháng 10/2015 về việc tham gia ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về trang bị phương tiện PCCC cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng đề cập về vấn đề này. Quan điểm của ông như thế nào?

Không chỉ ở Việt Nam mới có quy định về trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới mà rất nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng quy định này như: Nga, Ukraine… trong đó Ấn Độ cũng chuẩn bị áp dụng.

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm, có những cái chúng tôi phải tham khảo luật pháp, kinh nghiệm từ các nước nhưng chúng ta cũng không cứ cứng nhắc ở cái các nước làm thế nào thì mình cũng làm vậy. Ta cố gắng lựa chọn các nước tương đồng hoặc phát triển trước ta một thời gian nhất định.

Mặt khác, ta cũng không thể đánh đồng trình độ tri thức của dân nước này với nước khác. Khi xây dựng quy định, văn bản, phải làm sao để phù hợp, sát thực nhất với điều kiện trong nước.

Còn về vấn đề liên quan tới nội dung thỏa thuận trong Hiệp định TPP giữa các nước thành viên, chúng ta vẫn tôn trọng và tuân thủ nhưng sẽ có sự điều chỉnh thích hợp để phù hợp với tình hình và luật pháp trong nước.

PCCC2Đại diện Cục Cảnh sát PCCC cho rằng, thị trường có thể tự điều tiết các sản phẩm thiết bị PCCC khi nguồn cung tăng lên. Ảnh: Phan Anh 

Dùng bình không đạt chuẩn vẫn bị phạt

- Nhiều ý kiến cho rằng việc áp dụng xử phạt theo quy định từ ngày 6/1 trong hoàn cảnh thị trường chưa đáp ứng được nguồn cung sản phẩm thiết bị PCCC cho ôtô đạt chuẩn là vội vã. Quan điểm của Cục PCCC với tư cách là đơn vị soạn thảo và triển khai thông tư 57, đồng thời là đơn vị cấp phép tem kiểm định sản phẩm?

Tôi có tiếp nhận thông tin về tình trạng khan hàng, thiếu hàng đối với các sản phẩm thiết bị PCCC cho xe ôtô đạt chuẩn trong những ngày qua.

Thực tế, chỉ những bình cứu hỏa có tem kiểm định mới được phép lưu hành và sử dụng. Còn nếu dùng bình không đạt chuẩn, chủ phương tiện vẫn phải chịu xử phạt theo quy định.

Hiện thông tư mới bắt đầu được áp dụng, việc người dân dồn đi mua bình chữa cháy có thể xảy ra nhưng thị trường sẽ tự điều chỉnh theo quy luật cung - cầu. Khi nhu cầu tăng cao, người kinh doanh sẽ phải tự tính toán để phù hợp, đáp ứng cho thị trường và ngược lại.

Chúng tôi đã khuyến cáo người dân, không chỉ định sản phẩm chỉ được bán tại cửa hàng thuộc Cục Cảnh sát PCCC. Bất cứ cửa hàng tư nhân nào đủ điều kiện đăng ký kinh doanh mặt hàng này người dân đều có thể tới mua. Khi tới mua, người dân cần chú ý tem kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất sứ sản phẩm.

Hiện ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh đã có nhiều điểm bản sản phẩm này. Tuy nhiên, mặt hàng này đã đủ đáp ứng cho người dân và đảm bảo có tem kiểm định thì cần cơ quan chức năng quản lý.

Cục Cảnh sát PCCC sẽ đảm nhiệm cấp phép tem kiểm định về an toàn phòng chống chữa cháy.

- Một số luồng thông tin dư luận nghi ngờ việc tồn tại lợi ích nhóm trong hoạt động soạn thảo, áp dụng và triển khai quy định này. Quan điểm của ông ra sao?

Đến giờ tôi chưa phát hiện được lợi ích nhóm ở đây. Tôi không dám nói rằng chưa có, vì biết đâu được.

Nếu ai phát hiện ra thì vui lòng cung cấp cho cơ quan vì ở đây không đơn giản là chuyện xử phạt hành chính, mà còn là vi phạm đối với kỷ luật của lực lượng vũ trang.

Tùy theo trường hợp nặng, nhẹ, làm ảnh hưởng, sẽ phải truy cứu chứ không phải chuyện nói chơi.

Cũng theo tinh thần, tư tưởng chỉ đạo của Bộ Công an cũng như Cục Cảnh sát PCCC về vấn đề này, chúng tôi đã quán triệt nghiêm cấm cán bộ không được tư vấn, dắt mối, bán sản phẩm PCCC.

Trả lời phỏng vấn, Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC chưa dám khẳng định không có lợi ích nhóm.

Theo quy định pháp luật ở Nghị định 79 hướng dẫn thi hành luật PCCC, hưởng ứng công tác xã hội hóa công tác PCCC, trong đó, mở rộng cho mọi người dân đều được tham gia vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, tư vấn về hoạt động PCCC. Bất cứ đơn vị kinh doanh nào hội đủ điều kiện về kinh doanh, tư vấn PCCC, đều được phép làm.

Như vậy, ai được pháp luật cấp phép làm thì mới được làm. Ngay cả chiến sỹ công an, nếu không được cấp phép đăng ký kinh doanh hay hoạt động tư vấn sản phẩm thì cũng không được phép. Đó là lý do Cục PCCC đưa ra lệnh cấm trên.

Đây cũng là để phòng ngừa những luồng thông tin tiêu cực từ dân nghi ngờ về vấn đề tồn tại lợi ích nhóm ở đây.

Còn ở cơ quan này, có đơn vị được cấp phép hoạt động kinh doanh, tư vấn về PCCC thì đơn vị ấy vẫn hoạt động bình thường.

Lưu ý lắp đặt và bảo quản đúng cách

- Nhiều chủ phương tiện cho rằng trang bị phương tiện PCCC cho xe là đúng, nhưng còn nghi ngờ về tính an toàn của thiết bị khi lắp đăt trên xe ôtô?

Nhà sản xuất bình cứu hỏa luôn khuyến cáo việc bảo quản bình trong điều kiện nhiệt độ từ -7 độ C đến 55 độ C. Nếu chủ phương tiện để nhiệt độ trong xe lên tới 60-70 độ thì không ổn. Tất nhiên van an toàn của bình có thể tăng lên, có thể tới 60-70 độ C cũng chưa có vấn đề nguy hiểm nhưng khuyến cáo của nhà sản xuất đã như vậy thì cần tuân thủ.

Ở môi trường điều kiện thời tiết nước ta, có nhiều yếu tố làm tăng nhiệt độ trong xe như thời tiết nắng nóng, vị trí đỗ xe, các yếu tố gây khúc xạ ánh sáng như việc đóng kín cửa kính, đặt bình nước trong xe dưới trời nắng... cũng khiến nhiệt độ tăng lên. Nếu không biết cách hạ nhiệt cho xe thì chủ phương tiện cũng có thể phải chấp nhận thiệt hại.

Khi tôi chia sẻ điều này, có thể có nhiều ý kiến phản đối nhưng đó là thực tế. Nếu chủ xe không biết cách bảo quản xe thì đến xe cũng hỏng chứ đừng nói tới chuyện mất an toàn cháy nổ khi đặt bình cứu hỏa trong điều kiện nhiệt độ cao vượt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách bảo quản tốt phương tiện và thiết bị, lựa chọn sử dụng thiết bị PCCC đạt chuẩn thì chắc chắn, không thể có chuyện cháy hay nổ từ việc lắp đặt bình cứu hỏa trong xe được.

- Ông vui lòng chia sẻ một số lưu ý để hướng dẫn các chủ phương tiện lựa chọn và sử dụng thiết bị PCCC phù hợp, an toàn cho xe?

Nhiệt độ ở nước ta chưa có chỗ nào lên đến 45 độ theo dự báo thời tiết, 42-43 độ là cao nhất. Tuy nhiên, nhiệt độ trên mặt đường có những lúc rất cao do bị hấp thụ nhiệt.

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác tác động tới có thể gây gia tăng nhiệt trong xe, gây nguy cơ về an toàn khi đặt bình cứu hỏa trong xe ở điều kiện nhiệt độ cao vượt ngưỡng.

Bằng cách hạ nhiệt cho xe và sử dụng thiết bị PCCC đạt chuẩn, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ tới mức thấp nhất. Cách hạ nhiệt cho xe thì ta có thể để hé cửa xe, làm thông gió, hạ nhiệt trong xe. Hoặc an toàn hơn, chủ xe có thể sử dụng bạt phản nhiệt phủ bên ngoài xe.

Về vị trí lắp đặt an toàn nhất đối với bình cứu hỏa trong xe, chủ phương tiện có thể chọn các vị trí ổn định về nhiệt độ nhất như dưới gầm ghế lái hoặc khe để đồ ở cửa ra vào của xe.

- Xin cảm ơn ông!

Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét